Sự nuôi dưỡng từ nhỏ của cha đã hình thành trong tư tưởng của Người niềm đam mê với sách báo. Sách báo cũng dần trở thành người bạn thân thuộc của Người trong suốt cuộc đời. Người không chỉ ham đọc sách, mà còn có quan điểm tiến bộ, đúng đắn về sách báo và vai trò của sách báo đối với cá nhân mỗi người cũng như toàn xã hội.
Với Người, có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã viết bằng sự say mê và lòng kính yêu. Trong đó, yếu tố được nói đến nhiều nhất, cái tạo nên phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đó chính là ham đọc sách báo và tinh thần tự học suốt đời. Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà – nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã sưu tầm và biên soạn cuốn sách “Bác Hồ với việc đọc và tự học”. Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc "người bạn đường tri kỉ" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sách báo.
Cuốn sách được chia thành 3 phần, bao gồm phần 1: Bác Hồ với việc đọc; phần 2: Bác Hồ với việc tự học; phần 3: Bác Hồ phát biểu về sách báo, về việc học và tự học. Bác Hồ của chúng ta có một tình yêu đặc biệt đối với sách báo và từ rất sớm, ở Người đã hình thành nhu cầu văn hóa về đọc sách báo.
Có thể nói, Bác là hiện thân sinh động và cảm động về văn hóa đọc. Đó không chỉ là văn hóa xét về loại hình, thao tác của tư duy và tư tưởng mà còn là một trong những khởi đầu rất quan trọng của văn hóa sống và sáng tạo, văn hóa ở đời và làm người, để suốt đời Ái Quốc - Ái Dân, theo đuổi và thực hiện độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.